Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Trộn đất tham khảo

CÁCH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC HOA HỒNG
Mình sẽ không bàn về ưu thế của hồng giâm cành hay hồng ghép vì mỗi loại đều có ưu và nhược điểm riêng, người chơi hồng sẽ có cảm nhận riêng đối với các loại hồng này.
Ở bài này, mình chỉ đăng cách thay chậu và chăm sóc cây hồng sao cho cây đẹp, nhiều hoa qua kinh nghiệm của cá nhân mình, có thể cách mình làm là chưa đúng, vì vậy mình rất mong nhận được sự đóng ghóp của các bạn yêu hoa.
1. Cách trộn đất cho hồng.
Thường mình thấy các khách chơi lâu năm hay dùng sơ dừa trộn sỏi nhẹ. Việc dùng sơ dừa rất phù hợp với các tỉnh phía nam vì nguồn sơ dừa sẵn và rẻ. Nhưng đối với các tỉnh phía Bắc thì giá sơ dừa cao và khó kiếm các bạn có thể trộn đất với công thức như sau:
1 phần đất ruộng (hoặc đất vườn)+1 phần trấu hun đã rửa sạch (hoặc trấu đã ủ mục)+ ½ phân bò hoai (phân trùn quế, phân chuồng hoai). Bạn có thể bổ sung thêm 1 ít phân vi lượng hoặc có thể trộn thêm trichoderma để tăng cường khả năng kháng bệnh cho cây.
2. Cách thay chậu hoặc trồng đất. Chọn ngày râm mát hoặc mưa hoặc lúc chiều tối để trồng xuống đất hay thay chậu cho cây.
- Trồng ra đất. Nếu trồng ra đất, bạn phải chọn chỗ đất cao thoát nước tốt vì cây hồng không chịu được úng.
Bạn đào 1 hố đường kính từ 40-50cm sâu 50 cm, cho 1 lớp phân chuồng hoai mục xuống dưới rồi phủ 1 lớp đất trộn theo công thức ở trên dày  lên trên sao cho chiều cao còn lại của hố cao hơn chiều cao bầu cây 3-5cm. Bạn gỡ nhẹ chậu cũ sao không bị vỡ bầu rễ rồi đặt cả bầu xuống hố, phủ đất đến cổ rễ rồi tưới nước pha N3M để kích rễ phát triển.
- Bạn nên chọn chậu đường kính từ 40cm và sâu từ 50cm trở lên để thay chậu cho cây. Khi thay chậu, bạn lót 1 lớp xỉ than dưới đáy chậu để cây thoát nước tốt. Bạn cho 1 lớp đất trộn theo công thức ở trên sao cho chiều cao còn lại của chậu cao hơn chiều cao bầu cây 3-5cm. Phủ đất đầy chậu rồi tưới nước pha N3M để kích rễ phát triển.
3. Chăm sóc và phòng trị bệnh cho hoa hồng
Để cây hồng ra nhiều hoa, bạn sẽ không cần quá nhiều thời gian để chăm sóc cho chúng chỉ cần dành 5 phút 1 ngày và  30-60 phút vào cuối tuần để tưới nước, chăm bón, trị bệnh cho cây.
- Tưới nước tối đa 2 lần vào những ngày nắng nóng đất khô rõ rệt. Bạn nên tưới vào sáng và chiều sớm, không nên tưới vào tối muộn.
- Bón phân: tùy vào từng giai đoạn, cây sẽ cần chế độ dinh dưỡng khác nhau. Sau khi hoa tàn và cắt tỉa cây, bạn bón phân NPK dành cho giai đoạn ra lá và mầm (đầu trâu 501), sau khoảng 2 tuần chuyển sang phân bón dành cho giai đoạn ra hoa (đầu trâu 701). Bạn nên bón phân bón định kỳ 1 tuần -10 ngày 1 lần để cây đủ dinh dưỡng phát triển. Bổ sung phân bón đa vi lượng 1 tháng 2 lần sẽ giúp cây tăng khả năng ra hoa, hoa sai, bền đẹp và giúp cây kháng lại sâu bệnh rất tốt. 1 tháng phun atonic 1 lần giúp cây tăng khả năng sinh trưởng (không nên quá lạm dụng)
- Phòng bệnh: Hoa hồng là món ưa thích của bọ trĩ, nhện đỏ và các loại nấm bệnh nên bạn phải thường xuyên phòng trừ bệnh.
Để phòng trị bệnh bạn dùng thuốc hóa học hoặc sinh học hoặc 1 vài thủ thuật đơn giản là có thể phòng bệnh cho cây mà không mất nhiều thời gian và độc hại.
Nếu các bạn ngại phun thuốc BVTV thì có thể dùng oxit đồng để trị nấm, thuốc diệt muỗi để trừ bọ trĩ vạ̀ sâu bướm, và xịt tia nước mạnh dưới mặt lá để trừ nhện.
Nếu các bạn không ngại thuốc bảo vệ thực vật thì phun định kỳ hàng tháng 2 lần thuốc trị nấm (alvil, rodimil, thuốc trị nấm gốc đồng), thuốc trị bọ trĩ (radiant, mashan) và trị nhện (danitol, pesegus) là giúp cây khỏe và cho hoa liên tục.
4. Các lưu ý
- Trước mỗi lần bón phân, các bạn nên xới nhẹ đất để cây có thể thoáng rễ và hấp thu phân bón 1 cách dễ dàng.
- Tỉa mầm tầm xuân cho các cây ghép: Các cây ghép Việt thường mọc mầm tầm xuân từ gốc mẹ, các mầm này sẽ hút hết chất dinh dưỡng và làm chết mầm ghép nên bạn cần tỉa bỏ chúng ngay khi chúng nhỏ hơn 10cm. Mầm tầm xuân thường mọc ở vị trí trên và dưới mắt ghép, có hình dạng nhọn và lá khép khác biệt rõ ràng với mầm ghép nên bạn có thể phân biệt dễ dàng.
- Tỉa và cắt cành hàng năm: Đối với các cây bụi cao và cây leo, một năm vào mùa đông bạn nên vặt trụi lá và cắt tỉa cây gọn gàng để giảm bệnh cho cây và tập trung dinh dưỡng phát triển mầm mới vào mùa xuân.
- Đối với các cây non, cắt mầm hoa để cây tập trung phát triển mầm gốc và khỏe mạnh.
Khi dùng thuốc trị nấm gốc đồng, bạn cần 1, đến 2 tuần sau mới sử dụng tiếp phân bón lá đa vi lượng.
- Cây xanh nói chung và hồng nói riêng đều dễ hấp thụ phân bón hữu cơ hơn vô cơ nên các bạn có thể cũng cấp hữu cơ cho cây hàng ngày bằng nước rửa tôm cá không có muối, bã cua, đầu tôm, ruột cá, vỏ chuối ủ vùi vào chậu hồng thậm chí cả sữa tươi không đường đều được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét